Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, Long An là tỉnh tiếp giáp Tp.HCM, các dự án BĐS tại đây được các nhà đầu tư (NĐT)đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Cùng với đó, sự xuất hiện của một số dự án quy mô lớn đang khiến thị trường khu vực này nhộn nhịp từ cuối năm 2020 đến nay.
Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường BĐS Long An
Khác với khu vực phía Đông, BĐS phía Tây, bao gồm Long An được các chuyên gia trong ngành đánh giá, dòng tiền của NĐT vẫn chảy vào đây, “chậm nhưng chắc”. Nhiều NĐT vẫn tìm kiếm biên lợi nhuận bền vững tại thị trường này do có lợi thế về hạ tầng giao thông đang được đầu tư cũng như giá cả còn mềm hơn so với khu vực khác. Bên cạnh nhu cầu mua ở thực thì NĐT cá nhân (chủ yếu đến Tp.HCM) đang tìm kiếm các dự án khu đô thị quy mô lớn, có tiện ích, quy hoạch bài bản để đầu tư.
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong quý 2/2020, tốc độ tăng trưởng lượng nhà đầu tư quan tâm đến BĐS Long An tăng tới 54% so với quý 1/2020. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng này tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang là 40-42%. Đầu năm 2021, hoạt động đầu tư mua bán BĐS tại Long An ghi nhận vẫn giữ nhịp bởi tâm lý tìm kiếm dự án giá mềm, đầu tư sinh lợi trong trung – dài hạn của NĐT vẫn còn khá lớn trên thị trường.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thực ra những vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An xưa nay đã thu hút sự quan tâm của các NĐT tuy nhiên không được sôi động như trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính là việc nguồn cung tại Tp.HCM giảm mạnh cùng với đó là xu hướng các doanh nghiệp lớn dịch chuyển ra vùng ven để làm các đô thị có quy mô lớn đã kéo theo làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển về vùng ven.
Các dự án quy mô lớn, đầu tư bài bản tiện ích được NĐT cá nhân quan tâm, trong đó chủ yếu NĐT đến từ Tp.HCM
Vị chuyên gia này cho hay, BĐS khu Tây nói chung, Long An nói riêng đang được hưởng lợi thế từ yếu tố hạ tầng rất tốt, là lý do hút NĐT đổ về đón đầu thời gian gần đây. Ngoài ra, quỹ đất dồi dào, giá mềm cũng đang là lợi thế của tỉnh này trong thu hút dòng tiền của NĐT. Theo ông Kiệt, nếu so với khu Đông, mặt bằng giá BĐS khu Tây còn mềm, dư địa tăng giá vì thế còn cao. Đó là lý do thời gian gần đây, nhiều NĐT cá nhân đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là ở các dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ.
Thời điểm cuối năm 2020 đến nay, một số CĐT đã tung dự án tiềm năng tại thị trường này để đón sức mua. Đặc biệt là loại hình sản phẩm biệt thự, nhà phố, đất nền. Sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn BĐS với những đô thị cao cấp như Waterpoint 355ha (Bến Lức) của Nam Long; West Lakes Golf & Villa (Đức Hòa), E.City Tân Đức (Đức Hòa) và gần đây nhất là The Sol City (Cần Giuộc)… đang giúp thị trường nơi đây nhộn nhịp trở lại.
Ghi nhận cho thấy, BĐS liền thổ tại thị trường này đang được người mua quan tâm tìm kiếm khá nhiều. Tuy nhiên ở mỗi khu vực, nhu cầu mua tập trung vào từng loại hình khác nhau. Cụ thể, tại Bến Lức, nhu cầu tìm kiếm thiên về sản phẩm biệt thự liền kề tầm giá từ 2,6-2,8 tỷ đồng/căn; tại Đức Hòa người mua có xu hướng tìm đất thổ cư và đất nền giá từ 6-12 triệu/m2; Cần Giuộc là nhà phố liền kề và đất nền dự án giá từ 21-25 triệu/m2.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với BĐS Tp.HCM mặt bằng giá đã lên cao, không phải ai cũng có khả năng mua. Vì thế, BĐS Long An, Đồng Nai hay Bình Dương – những nơi có kết nối hạ tầng tốt với Tp.HCM đang trở thành lựa chọn của nhiều người mua ở thời điểm này.
“Nếu có trong tay 2-3 tỉ đồng mua căn hộ ở Tp.HCM không dễ, mua đất nền, nhà phố còn khó hơn, vì thế dòng tiền này của NĐT đang chảy vào BĐS vùng ven. Họ kì vọng sinh lợi bền vững ở các thị trường có lợi thế về giá mềm, hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh”, TS Khương nhấn mạnh.
Nên chia lợi nhuận ở vùng đất còn tiềm năng tăng giá
Không thể phủ nhận, Long An là vùng đất đang quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây. Các dự án cao tốc, quốc lộ, đường xá lần lượt được khởi công nhằm xây dựng hệ thống giao thông tiện lợi nhất cho việc vận chuyển từ Long An đến Tp.HCM và đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Có thể kể đến việc xây dựng cao tốc Tp.HCM – Trung Lương, Quốc Lộ 2N, đường ĐT 830 từ Bến Lức đến cảng quốc tế Long An. Trong tương lai gần, ngành công nghiệp và các ngành phụ trợ khác của Long An sẽ hưởng lợi lớn từ những dự án này.
Đặc biệt, theo thông tin từ Sở GTVT, tuyến ĐT827E là trục động lực kết nối Tp.HCM – Long An – Tiền Giang dự kiến được đầu tư với số vốn hơn 20.000 tỉ đồng có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống GTVT của tỉnh. Tuyến đường động lực này sẽ kéo dài qua tỉnh Tiền Giang, Long An và Tp.HCM, được kì vọng thu hút đầu tư cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển KT-XH. Từ đó thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ăn theo.
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, có lộ trình quy hoạch rõ nét, nhà đất Long An sẽ giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2021 và các năm tới. Hạ tầng cũng chính là lực đẩy lớn cho thị trường BĐS, tạo niềm tin cho NĐT “xuống tiền” tại khu vực này.
Thị trường Long An đang xuất hiện nhiều dự án lớn của các CĐT uy tín
Chia sẻ về thị trường BĐS khu Tây mới đây, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao bộ phận thị trường JLL Việt Nam cho rằng, ở một thị trường chưa hình thành rõ ràng như khu Tây, NĐT sẽ kiếm được lợi nhuận hơn, mức độ tăng trưởng lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn ở các thị trường đã phát triển trước đó. Thậm chí có thể tăng gấp 2-5 lần khi dự án hình thành. Còn ở khu vực đã có quá nhiều NĐT đến thì chắc chắn nguồn sinh lợi sẽ không bằng các thị trường đang nhiều tiềm năng trong tương lai.
Theo bà Trang Bùi, BĐS khu Tây Tp.HCM, đặc biệt khu vực Long An đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Ở các tỉnh phía Nam, nếu Bình Dương, Đồng Nai đã phát triển vượt trội thời gian dài thì Long An lại là tỉnh đang ẩn nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Vị trí của khu Tây nói chung, Long An nói riêng sẽ phát triển tốt trong tương lai.
Hiện nay, có nhiều NĐT trong và ngoài nước đã có quỹ đất và tham gia đầu tư tại thị trường này. Chưa kể, Long An là cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long để vào Tp.HCM, nên việc đón các NĐT nước ngoài vào đầu tư, theo bà Trang là điều không phải khó. Theo đó, với những NĐT có năng lực tài chính thì việc nắm giữ tài sản để chờ cơ hội phát triển tại thị trường này là rất khả thi.
Hiện nay, nơi đây đang xuất hiện nhiều dự án lớn cùng các CĐT có tên tuổi trên thị trường đổ về đây làm dự án. Trong đầu tư, theo bà Trang cách tốt nhất là NĐT phân tán theo rủi ro, đặc biệt với những NĐT có tiềm lực tài chính. Thay vì “bỏ trứng hết vào một giỏ”, NĐT nên phân tán dòng tiền ra khu Đông một ít, khu Tây một ít để đảm bảo độ an toàn, khi mà nhìn thấy rõ cơ hội phát triển dài hạn của thị trường khu vực đó.
Khi được hỏi, với bối cảnh Covid-19 như hiện nay, NĐT vào thị trường khu Tây Sài Gòn cần lưu ý gì, chuyên gia JLL chia sẻ, ở một thị trường đang có tiềm năng phát triển, chúng ta không thể dự đoán chính xác được thời điểm 3 năm, 5 năm hay 10 năm có thể kiếm lợi được. Không ai dự đoán được thời điểm chính xác tăng trưởng về giá khi NĐT bỏ vốn vào.
Tuy nhiên, NĐT phải biết cách nhìn nhận tiềm năng của thị trường đó, dự án đó để tính toán được thời gian, mức lợi nhuận cụ thể đạt được. Bà Trang cho rằng, việc quyết định đầu tư ở khu vực phía Tây, NĐT cần tìm hiểu rõ thế mạnh dự án đang đầu tư, có thông tin tổng hợp, khu này khi nào bắt đầu hình thành nên một điểm thu hút người dân về ở.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, mỗi khu vực đều có một tiềm năng lợi thế riêng và tùy vào mức am hiểu của NĐT để quyết định nên đầu tư ở đâu? Tuy nhiên, trong làn sóng thông tin, NĐT cần phải tìm hiểu kỹ và sàng lọc để không chịu rủi ro. NĐT không nên đầu tư theo tâm lý đám đông. Vị trí, pháp lý và uy tín là các yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư.
Nguồn: CafeF